Cùng mẹ chăm con khoa học
CÁC GIAI ĐOẠN TẬP NÓI CỦA TRẺ BỐ MẸ NÊN GHI NHỚ
Quá trình tập nói của bé bắt đầu từ việc trẻ học cách sử dụng lưỡi, môi, vòm miệng và bất kỳ chiếc răng mới mọc nào để tạo ra âm thanh phù hợp, bắt đầu từ tiếng khóc, sau đó đến tiếng ọ, ẹ, ô, a trong tháng đầu tiên, và bập bẹ không lâu sau đó.
Trẻ sẽ bắt đầu nói được những từ đơn giản như “ma ma, ba ba, bà bà” khiến bố mẹ vô cùng hạnh phúc. Kể từ cột mốc phát triển này, bé sẽ tiếp tục nói nhiều hơn, qua cách bắt chước và quan sát cử động miệng cũng như lắng nghe âm thanh từ mọi người xung quanh. Để nhận biết rõ hơn quá trình tập nói của bé, hãy cùng BU tìm hiểu các giai đoạn trẻ tập nói nhé!
Các giai đoạn tập nói thông thường của trẻ có thể tóm tắt như sau:
- Từ 4-6 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bập bẹ, kết hợp lẫn nguyên âm và phụ âm, chẳng hạn như ba ba, ya ya. Vào khoảng 6 tháng, bé có thể phản ứng khi mẹ gọi tên mình. Bạn có thể dễ dàng nghe ra khi bé nói ma ma hay đa đa. Nỗ lực của bé khi nói chuyện với mẹ phải nói là vô tận. Bé luôn cố gắng hết sức để sử dụng lưỡi, răng, vòm miệng và thanh quản của mình để phát ra những âm thanh ngộ nghĩnh nhằm giao tiếp với mọi người. Điều thú vị là, trẻ sơ sinh ở tuổi này trên khắp thế giới đều phát ra một kiểu âm thanh tương tự nhau như: ba, ma, ka, đa, ya.
- Từ 7-12 tháng: Bé sẽ dần bập bẹ theo âm thanh nghe thấy và cố gắng nói sao cho giống. Ở giai đoạn này, mẹ nên thường xuyên đọc sách, kể chuyện hoặc nói chuyện cùng con để giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ của mình.
- Từ 13-18 tháng: Bây giờ bé đã biết sử dụng một hoặc nhiều từ khi nói chuyện với mẹ, và bắt đầu nhận ra từ ngữ có ý nghĩa. Bé thậm chí còn có thể lên hoặc xuống giọng với từ mà mình biết tùy vào ngữ cảnh.
- Từ 19-24 tháng: Bé đã có thể nói khoảng 50 từ, đồng thời khả năng hiểu ngôn ngữ của bé cũng phát triển rất nhiều. Bé quan sát, lắng nghe và học thêm từ mới mỗi ngày. Ở tuổi này, bé đã có thể nói được 2 từ rồi nhé, chẳng hạn như mẹ ơi, ba ơi, bồng bồng, đi chơi… Cảm giác mình khá trưởng thành vì đã có thể diễn đạt những điều mình muốn, bé thường có xu hướng chỉ làm những gì mình thích. Mẹ không thể nào chỉnh bé khi bé nói Mẹ dép thay vì dép mẹ.
- Từ 25-36 tháng: Bé đã bắt đầu phân biệt được cách xưng hô, biết mình xưng con và phải gọi ba mẹ. Trong độ tuổi này, vốn từ vựng của bé không ngừng phát triển và mở rộng. Bé có thể nối các danh từ và động từ vào với nhau để tạo nên câu đơn giản: Con muốn đi chơi. Khi lên 3, mẹ sẽ hết sức đau đầu với một tên nhóc tinh vi, nói nhiều trong nhà. Bé sẽ không ngừng đưa ra những bình luận, lý lẽ hết sức thú vị và ngộ nghĩnh, đồng thời hỏi và “làm phiền” mẹ rất nhiều.
Những biểu hiện cho thấy bé đang phát triển ngôn ngữ bình thường:
- Từ 12-15 tháng: Trẻ ở tuổi này đã phát được khá nhiều âm và ít nhất nói được một hoặc hai từ đúng (không bao gồm “mẹ” và “bà). Các danh từ thường được nói trước, như “bé” và “bóng”. Con bạn cũng đã có thể hiểu và tuân theo những chỉ dẫn (câu lệnh) đơn lẻ, chẳng hạn “đưa cho mẹ quả bóng”.
- Từ 18-24 tháng: Trẻ phải có vốn từ khoảng 20 từ vào lúc 18 tháng tuổi và 50 hoặc hơn vào thời điểm lên 2. Ở 2 tuổi, trẻ đã học được cách kết nối 2 từ, ví dụ “bé khóc” hoặc “bố béo”. Trẻ 2 tuổi cũng có thể thực hiện được các chỉ dẫn hai bước, ví dụ “nhặt quả bóng lên và đưa cho bố cái cốc”.
- Từ 2-3 tuổi: Bố mẹ thường chứng kiến sự “bùng nổ” trong ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn này. Vốn từ của trẻ sẽ tăng lên (tới mức không thể đếm được) và bé sẽ kết hợp ba hoặc nhiều từ hơn trong một câu. Khả năng hiểu cũng tăng lên – vào năm 3 tuổi, bé sẽ bắt đầu hiểu “đặt nó lên bàn” hoặc “đặt nó dưới gầm giường” nghĩa là gì. Con bạn cũng sẽ bắt đầu phân biệt được màu sắc và hiểu các khái niệm mô tả (như to lớn, nhỏ). Ở giai đoạn 3 tuổi, bé có thể giao tiếp lưu loát với bố mẹ trong một cuộc trò chuyện khá dài. Hơn nữa, bé còn có thể kết nối nhiều từ hơn để tạo thành câu dài.
Có một điều cần lưu ý, đó là bố mẹ cũng nên hiểu rằng tất cả các cột mốc thời gian đều chỉ mang tính tương đối, không phải đứa trẻ nào cũng phải phát triển chính xác đúng theo các giai đoạn này. Mỗi đứa trẻ có thể sẽ đạt được các kỹ năng khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong một phạm vi nhất định.
Khi đến giai đoạn trên 2 tuổi, nếu em bé nhà bạn có một số dấu hiệu dưới đây, bố mẹ nên đưa bé đi khám vì có thể bé đang chậm nói:
- Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ.
- Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu
- Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản của người lớn.
- Có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé).
- Gặp khó khăn trong việc hiểu trẻ nói gì: Bố mẹ phải hiểu được khoảng một nửa số từ trẻ nói ra khi 2 tuổi và khoảng 3/4 vào lúc 3 tuổi. Vào năm trẻ lên 4, thậm chí người lạ cũng phải hiểu được trẻ nói gì.
Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bố mẹ nắm bắt được các giai đoạn tập nói thông thường ở trẻ. Việc hiểu được các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ là một điều vô cùng hữu ích, giúp các bố mẹ có những định hướng và phương pháp giáo dục ngôn ngữ phù hợp cho trẻ ngay từ nhỏ.
Tham khảo: Parenting Science