Giỏ hàng

Cùng mẹ chăm con khoa học

CÙNG BU TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN TRẺ CHẬM BIẾT ĐI

Nguyên tắc chủ yếu để xác định một đứa trẻ bị chậm đi đó là thời gian. Đến độ tuổi một đứa trẻ phải biết đi, giống như bao đứa trẻ khác, nhưng lại chưa biết đi thì được gọi là chậm đi. Người ta đã xác định, thời điểm 18 tháng tuổi là thời điểm chờ đợi cuối cùng để xem một đứa trẻ có thể biết đi đúng thời hạn hay không.

CÙNG BU TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN TRẺ CHẬM BIẾT ĐI

Đứa trẻ nào cũng có quỹ đạo phát triển của riêng mình

Một đứa trẻ thường sẽ biết đi vào thời điểm 12 tháng. Nhưng trên thực tế, đó là một khoảng thời gian biến đổi tương đối rộng. Khoảng thời gian để đứa trẻ có thể tự đi được 1 mình dao động từ 12 - 15 tháng. Như thế có nghĩa, nếu chẳng may con nhà bạn đến 13 tháng tuổi chưa biết đi cũng đừng lo lắng gì cả. Bởi nó vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Thậm chí đến 15 tháng tuổi bé chưa biết đi bạn cũng vẫn chưa cần lo. Một đứa trẻ chỉ được coi là chậm biết đi khi và chỉ khi đến hết thời điểm 18 tháng tuổi (1 tuổi rưỡi) mà vẫn chưa biết đi.

Như vậy là, đến hết 18 tháng tuổi mà bé chưa biết đi thì đúng là bé có vấn đề thật. Vấn đề có thể do thần kinh vận động chưa phát triển đủ mức cần thiết để điều khiển bé đi. Có thể sự rắc rối ở phần cơ và xương không đủ khỏe để bé tự tin vững vàng để nhấc chân độc lập. Và bạn nhất định cần cho bé đi khám lúc này để tìm ra nguyên nhân thật sự ở bên trong.

Nhưng có lẽ, nếu để đến lúc phát bệnh mới đi khám bệnh thì việc xử lý không được kịp thời. Chúng ta cần tìm kiếm dấu hiệu bệnh sớm hơn thì việc can thiệp mới ý nghĩa. Tức là, chúng ta cần nhận ra dấu hiệu sớm hơn thời điểm 18 tháng tuổi thì việc can thiệp mới thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.

Sự rắc rối của việc chậm đi không thể đột ngột rơi từ trời cao xuống thẳng vào bé lúc 18 tháng tuổi. Nó đã có sự biểu hiện dần dần vào các thời điểm trước đó. Một đứa trẻ chậm đi ắt hẳn sẽ chậm biết bò. Chậm biết bò ắt hẳn sẽ chậm biết ngồi. Chậm biết ngồi ắt hẳn sẽ chậm biết lẫy. Căn cứ vào các dấu mốc quan sát được, một bà mẹ chịu khó quan sát chăm sóc con cái có thể dễ dàng nhận ra những dấu hiệu không mong đợi.

Nếu hết 4 tháng tuổi mà em bé không thể nâng đầu tạo góc 45 độ so với mặt giường thì tiến trình tập vận động của đứa trẻ đã bị chậm ngay từ lần đầu tiên. Lúc này bạn cần có sự cảnh báo và tiếp tục theo dõi. Nếu hết 6 tháng tuổi mà em bé không biết duỗi tay ra phía trước với lấy đồ vật thì có thể coi rằng cơ thân mình của em bé đã không khỏe như mong đợi. Nếu hết 12 tháng mà bé không thể tự đứng được 1 mình (ngồi và tự đứng lên mà không cần bố mẹ trợ giúp) thì có khả năng cao em bé nhà bạn sắp rơi vào trạng thái chậm biết đi. Lưu ý là không thể tự đứng được 1 mình khác với trạng thái chưa bước chân được vào thời điểm này. Nguyên nhân là gì thì cần đưa em bé đi khám sớm. Có thể, đã đến lúc bạn cần có sự can thiệp nào đó để tiến trình tập đi trở về đúng quỹ đạo.

MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG KHIẾN TRẺ CHẬM BIẾT ĐI

Việc chậm đi có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có 6 nguyên nhân phổ biến sau đây:

Nguyên nhân phổ biến thứ nhất, đó là đứa trẻ bị sinh non.

Một đứa trẻ  sinh non là một em bé được sinh ra trước khi hoàn tất quá trình lớn lên ở trong bào thai. Khi bị sinh non, em bé bị thiệt thòi hơn so với các em bé sinh đủ tháng vì mọi thứ của cơ thể chưa hoàn tất, trong đó, có hệ vận động. Với một cơ thể yếu ớt, em bé khó có thể trụ vững biết đi như mong đợi. Tất nhiên, không phải đứa trẻ sinh non nào cũng chậm đi. Sự chậm đi tùy thuộc vào mức độ non, số tháng trong tử cung mẹ trước khi chào đời.

Nhóm nguyên nhân thứ hai đó là tình trạng bại não và các rối loạn khác của não bộ.

Tình trạng bại não xảy ra do nhiều lý do khác nhau. Có thể em bé bị rối loạn chức năng não bộ bẩm sinh, đột biến não từ trong bào thai, rối loạn nhiễm sắc thể (như các Hội chứng Down, Prader-Willi, Tay-Sachs, Williams...), di chứng não do can thiệp lúc sinh (như thủ thuật Forcep), viêm não - màng não (như viêm não do màng não cầu), động kinh ở thời điểm trước khi biết đi, não úng thủy... Những nguyên nhân này làm cho não không phát triển đầy đủ, nhất là vùng não vận động nằm ở vùng thóp kéo ra phía trước trán. Khi trung tâm cao cấp nhất của vận động không được hoàn thiện thì việc biết đi là rất xa vời.

Nhóm nguyên nhân thứ 3 là các rối loạn về cơ.

Em bé chẳng may bị mắc một số rối loạn nào đó về cơ khiến cho trương lực cơ yếu như bệnh viêm teo cơ, loạn dưỡng cơ, suy nhược cơ. Những rối loạn này đặc biệt hay gặp ở tay và chân. Do đó, em bé không thể biết đi đúng thời hạn. Đặc điểm nhận dạng của các em bé này đó là chân tay rất bé, yếu ớt, không có các vận động phản xạ liên tục, không có các vận động tự phát. Em bé chỉ nằm ra đấy và chỉ có các cử động nhẹ nhàng, yếu ớt và hời hợt. Những em bé không may mắn này sẽ chậm đi.

Nhóm nguyên nhân thứ 4 đó là các bệnh lý nội tạng bên trong khiến cho thể lực của bé rất kém.

Thể lực không đủ khiến cho em bé không thể biết đi đúng hẹn. Một số bệnh gây cản trở việc học đi của bé như bệnh tim bẩm sinh, bệnh thông động tĩnh mạch bẩm sinh, bệnh teo đường mật bẩm sinh, bệnh viêm teo gan, bệnh xương thủy tinh...Các bệnh lý này tuy không tác động trực tiếp đến thần kinh hoặc cơ nhưng cũng tác động gián tiếp đến sức mạnh của cơ. Em bé chỉ đủ sức để duy trì sự sống, không còn đủ sức để làm các việc khác như tập đi. Việc chậm biết đi gần như là một kết quả biết trước.

Nhóm nguyên nhân thứ 5 là do di truyền.

 Nhóm các em bé này hoàn toàn có sự phát triển bình thường nhưng vẫn chậm đi. Đó là vì do di truyền từ bố hoặc mẹ. Nếu một trong 2 người bị chậm đi từ lúc còn thơ ấu thì đứa con có khả năng cao bị chậm đi. Đây thường là do rối loạn tâm lý (như quá nhút nhát, sợ ngã đau) đã kéo chậm lại thời điểm chậm đi. Thông thường, nhóm các em bé này không bị chậm đi rõ nét. Bé chỉ chậm hơn các bạn độ một vài tháng nhưng thường biết đi trước khi 18 tháng tuổi. Nhóm nguyên nhân này khá an toàn.

Nhóm nguyên nhân thứ 6 là do chăm sóc.

Chăm sóc quá bao bọc, cẩn thận tới mức như nâng niu một viên ngọc quý sợ rơi vỡ sứt mẻ, mà hay gọi là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Một trường hợp đối nghịch khác là sự chăm sóc thiếu mức cần thiết khiến cho em bé bị suy dinh dưỡng, chân tay teo đét. Cả hai trường hợp này đều gây ra chậm đi. Với các ông bà, bố mẹ quá bao bọc, em bé suốt ngày chỉ được bế bồng trên tay và nằm giường. Đứa trẻ không có cơ hội đặt chân xuống đất để tập đi. Sự quá yêu thương, chiều chuộng, sự sợ nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, sự ngăn cách tiếp xúc với nhóm các em bé khác khiến cho em bé vô tình bị chậm đi không mong muốn. Ngược lại, các gia đình không đủ điều kiện chăm sóc, em bé bị suy dinh dưỡng, cơ thể còi cọc và suy yếu. Em bé không đủ sức đứng dậy để đi. Các em bé này chỉ biết lê từ góc này qua góc khác, thậm chí, ruồi muỗi bay qua còn chẳng thiết đuổi. Xương yếu, cơ yếu đã khiến cho các bé bị chậm đi.

Bé bị nguyên nhân gì thì khắc phục nguyên nhân đó, đấy là biện pháp can thiệp hữu hiệu nhất giúp bé trở về đúng quỹ đạo tập đi vốn có. Do vậy, việc theo dõi sự phát triển của bé theo từng giai đoạn là rất quan trọng để đảm bảo trẻ có thể biết đi đúng hạn.

 

Tham khảo Kidshealth

promotion left img
Call:0969463299