Giỏ hàng

Cùng mẹ chăm con khoa học

NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC BIẾT NÓI “CẢM ƠN” VÀ “XIN LỖI”

Nếu bạn muốn biết thời gian trôi nhanh thế nào? Hãy nhìn ngắm một em bé lớn lên từng ngày và nhìn ngắm vạn vật xung quanh bạn chuyển mình mỗi ngày.

Chỉ sau một vài ngày mưa ẩm, trên khúc cây lớn ở góc công viên đã mọc lên một khu rừng nấm, trong ánh nắng cuối chiều rực rỡ, mình đứng ngẩn người trước công trình vĩ đại này và tự hỏi, phía bên trong những chiếc ô nấm bé xíu kia là gì, các sinh vật bé nhỏ có đang nằm khểnh sưởi nắng dưới tán nấm và chia sẻ với nhau những câu chuyện cuộc đời hay chỉ đơn giản cùng nhau nhâm nhi thật chậm rãi thời khắc huy hoàng này và giữ trọn nó trong tâm trí... Bởi vì chúng đâu biết, chỉ ngày mai thôi, khi mình háo hức quay trở lại, thì toàn bộ khu rừng nấm đã biến mất, không một dấu vết cùng với sự tiếc nuối và hụt hẫng vô hạn của mình...

NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC BIẾT NÓI “CẢM ƠN” VÀ “XIN LỖI”

Một em bé cũng vậy, chúng lớn lên ngay cả trong giấc ngủ, ngay cả khi bạn không hề để ý, chỉ đến một ngày, khi bạn giật mình hốt hoảng thì chúng đã lớn lên mất rồi, từ bao giờ bạn không biết nữa... Làm cha mẹ, chúng ta có mong gì hơn ngoài mong sẽ không phải tiếc nuối và hụt hẫng vì bỏ lỡ mất những khoảnh khắc hạnh phúc của con mình, các bố mẹ nhỉ:

Dạy cho những đứa trẻ hiểu rằng lòng biết ơn và sự sẻ chia trong cuộc sống sẽ giúp chúng trở thành những con người tử tế và ấm áp. Lòng yêu thương và sự thấu cảm sẽ dạy chúng trở thành những đứa trẻ biết đồng cảm  với người khác.

Giai đoạn trẻ từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn tốt nhất để cha mẹ có thể nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ. Bạn hãy tin rằng những đứa trẻ có lòng biết ơn sẽ trở thành một người hạnh phúc, luôn biết vui vẻ và biết tìm niềm vui cho cuộc đời mình.

Dạy trẻ biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi”

Hãy dạy trẻ biết nói “cảm ơn” khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, biết nói “xin lỗi” khi mình sai. Trước hết điều đó thể hiện trách nhiệm với việc mình làm, sau nữa là thể hiện thái độ tôn trọng người khác. Dần dần sẽ trở thành thói quen tốt đẹp văn minh trong giao tiếp. Đó là điều kiện để ươm mầm lòng biết ơn.

Trong gia đình, dù chúng ta là những người quá đỗi thân thiết nhưng không thể vì thế chúng ta bỏ qua việc phải nói lời “cảm ơn, xin lỗi”. Bạn có thể “xin lỗi con” khi bạn làm sai, “Cảm ơn con” khi bé giúp đỡ mình.

Hãy ghi nhận sự nỗ lực của bé bằng cách nói “cảm ơn con đã chia sẻ đồ chơi với em bé nhé”, “Xin lỗi con nay mẹ bận quá không thể trông được em, con có thể giúp mẹ trông em chiều nay được không? Nếu được thì mẹ rất cảm ơn con”. Bất kỳ đứa trẻ nào nghe thấy những lời nói đó đều cảm thấy mình trở nên thật quan trọng. Và vì sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho mình bé sẽ nỗ lực làm tốt mọi vai trò.

Có thể bạn cho rằng nói những lời đó quá rườm rà, sến súa trong chính ngôi nhà của mình. Bạn nghĩ rằng bạn không thể làm được ư? Vậy tại sao bạn lại muốn một đứa trẻ có thể tự nhiên mà nói ra lời “cảm ơn” và “xin lỗi”?

Bé được sống trong một môi trường mà mọi người biết ứng xử đẹp đẽ thì chắc chắn sẽ muốn được trở thành người như chính ông bà, cha mẹ của mình.

Dạy bé cách chia sẻ lịch sự

Nếu gặp một đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, gặp một người tàn tật xin ăn ở bên lề đường, bạn sẽ cho họ một chút tiền chứ? Hẳn nhiên nhiều người trong chúng ta sẽ không ngần ngại làm điều đó. Nhưng không phải ai cũng biết cách cho sao cho lịch sự và thể hiện sự tôn trọng người được cho.

Hãy cho bé thấy chúng ta cho đi, chia sẻ với người khác bằng tấm lòng, bằng tình cảm chứ không phải vì cảm thấy bị bắt buộc. Bạn có thể đưa bé đến các nhà tình thương, những ngôi chùa đỡ đầu các trẻ em mồ côi để bé được tận mắt chứng kiến việc cho đi như thế nào là đẹp đẽ nhất.

Hằng ngày, bạn có thể nhắc trẻ xếp gọn gàng những đồ chơi, đồ dùng, sách vở không cần đến nữa để mang cho những đứa trẻ khác cần chúng. Hãy nhắc nhở bé rằng, hãy dùng đồ vật thật giữ gìn như sách không được để hỏng góc, dính mực, đồ chơi siêu nhân đừng bẻ chân bẻ tay đi. Khi cho đi một món quà phải đảm bảo rằng món quà được được giữ gìn cẩn thận và sạch sẽ nhất.

Hãy dạy trẻ hiểu giá trị sức lao động

Có rất nhiều đứa trẻ mặc nhiên rằng “nhà con giàu”, “con cần gì mẹ con cũng cho con hết”, “con muốn cái gì cũng được”. Có phải vì bé chưa hiểu được tiền từ đâu mà có? Có phải bạn chưa dạy bé hiểu về giá trị sức lao động không?

Hãy đưa con đi đến những siêu thị, những khu mua sắm, hỏi con xem bé thực sự cần những thứ gì. Rồi cho bé biết sẽ cần bao nhiêu tiền để mua, số tiền đó bằng bao nhiêu ngày bạn lao động mới có được. Hãy đưa phương án cho bé rằng muốn mua thì sẽ tiết kiệm mỗi ngày một chút, cần bớt các khoản nọ kia thì mới có được.

Khi hiểu rằng cha mẹ lao động vất vả để kiếm được tiền bé sẽ biết trân trọng đồ dùng, đồ chơi và những thứ mà bé có, hạn chế bỏ thừa cơm và thức ăn, biết tái sử dụng những đồ dùng cần thiết. Tất cả những điều này đều là biểu hiện của lòng biết ơn.

Cùng bé lập thành tích

Hãy cùng bé tạo ra một trò chơi nho nhỏ bằng cách thi đua xem ai làm việc tốt nhiều hơn nhé. Bạn có thể chỉ ra những việc tốt như quét nhà giúp mẹ, tưới cây giúp bà, lấy chén đũa cho ông, đi tìm con mèo cho bác hàng xóm, tặng một món quà cho ai đó… Cho bé một cuốn sổ nhỏ để bé ghi lại những việc tốt bé làm, nếu bé chưa thể ghi được thì hãy bạn có thể ghi giùm. Sau thời gian quy định sẽ bạn và bé sẽ tính xem ai lập được nhiều thành tích nhất. Và phần thưởng thúc đẩy bé sẽ là những món quà nho nhỏ để bé có động lực làm nhiều việc tốt và thể hiện sự quan tâm đến mọi người.

Theo: Parenting

promotion left img
Call:0969463299