Giỏ hàng

Cùng mẹ chăm con khoa học

PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY Ở TRẺ

Khi tiêu chảy xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu người lớn không cho trẻ uống thêm nước hoặc trẻ không thể uống do con bị nôn ói liên tục, hoặc thậm chí nặng hơn là mất nước và hôn mê.

Vào mùa hè nắng nóng, trẻ thường thích thú với các món ăn vặt như kem, siro, đá bào… Tuy nhiên, bố mẹ có biết đa số những món ăn vặt ấy lại không hợp vệ sinh và là thủ phạm gây tiêu chảy ở trẻ. Khi tiêu chảy xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu người lớn không cho trẻ uống thêm nước hoặc trẻ không thể uống do con bị nôn ói liên tục, hoặc thậm chí nặng hơn là mất nước và hôn mê.

Tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ cần được phòng tránh và điều trị đúng cách, bố mẹ hãy cùng BU tìm hiểu chi tiết nhé!

Hậu quả đáng lo ngại khi trẻ bị tiêu chảy?

Bệnh tiêu chảy gồm tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn tính trong đó phần lớn trẻ em bị tiêu chảy cấp. Nếu không được điều trị kịp thời và hợp lý, trẻ sẽ bị mất nước khiến cơ thể yếu dần và có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra tiêu chảy cũng làm rối loạn các chất trong cơ thể khiến các cơ quan bị rối loạn hoạt động.

Khi tiêu chảy kéo dài có thể dẫn tới suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài có thể khiến bệnh tiêu chảy khó kiểm soát và dẫn đến tử vong. Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, điều trị rất khó khăn và có thể gây tử vong.

Vì sao trẻ bị tiêu chảy?

Trẻ bị tiêu chảy có rất nhiều lý do, nhưng thường gặp nhất là do đường ruột bị nhiễm trùng. Tác nhân có thể là do virus, vi trùng, hoặc ký sinh trùng, mỗi loại có biểu hiện và cách điều trị khác nhau.

Ngoài ra, trẻ còn bị tiêu chảy do dị ứng với thức ăn, bất dung nạp thức ăn (thường gặp ở lactose, một loại đường có trong sữa), chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, sử dụng kháng sinh kéo dài…

Mặc dù hầu như bé nào cũng mắc tiêu chảy ít nhất 1 lần trong đời, nhưng có những bé dễ mắc tiêu chảy hơn bình thường. Nhóm trẻ có nguy cơ cao bao gồm:

  • Những trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng – 2 tuổi;
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch;
  • Trẻ không có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Triệu chứng tiêu chảy ở trẻ là gì?

Thông thường, triệu chứng phổ biến nhất của tiêu chảy ở trẻ em là đi phân lỏng từ 3 lần trở lên mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà trẻ bị bệnh có những triệu chứng như:

  • Phân có máu
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Mất kiểm soát nhu động ruột
  • Đau hoặc bị chuột rút ở bụng
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn
  • Mất nước
  • Ăn không ngon

Khi trẻ có các triệu chứng trên, tốt nhất bạn hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp cho bé.

Một số điểm cần lưu ý khi điều trị tiêu chảy ở trẻ:

Khi điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:

  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Nếu trẻ còn bú thì cần cho bú nhiều hơn. Cho trẻ uống thêm trong dung dịch bù nước sau mỗi lần đi ngoài hay sau khi nôn ói. Ngoài ra, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.
  • Cần tiếp tục cho trẻ ăn và bú mẹ thường xuyên và nhiều hơn. Những trẻ lớn có thể tăng khẩu phần ăn so với bình thường. Nếu trẻ bị nôn ói thì khẩu phần ăn có thể chia làm nhiều bữa trong ngày để trẻ có thể hấp thu và tiêu hóa được. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để hồi phục lại dinh dưỡng cho bé.
  • Bổ sung kẽm dưới dạng viên hoặc nước uống từ mười đến mười bốn ngày.  Kẽm giúp giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy đồng thời làm giảm nguy cơ mắc lại bệnh tiêu chảy sau khi đã chữa khỏi.

 

Cách phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ

Bố mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất sáu tháng đầu đời. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm của trẻ. Dùng nguồn nước sạch, vệ sinh khi nấu ăn hoặc cho trẻ uống nước. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng cho trẻ trước và sau ăn. Cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng và uống phòng tiêu chảy rota. Như vậy bạn mới có thể yên tâm trước căn bệnh tiêu chảy ở trẻ em.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến tiêu chảy ở trẻ

Theo các nhà dinh dưỡng, bố mẹ có thể kiểm soát được tiêu chảy nếu áp dụng một số biện pháp sau:

  • Uống nước ép trái cây không đường;
  • Ăn các loại thực phẩm chứa kali cao như chuối, khoai tây;
  • Ăn các loại thực phẩm và uống chất lỏng có chứa natri cao như nước canh, súp, nước giải khát, bánh quy mặn;
  • Ăn các thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như rau xanh, bột yến mạch, gạo;
  • Hạn chế thực phẩm có đường vì chúng có thể sẽ làm cho bệnh tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn;
  • Tránh các sản phẩm từ sữa và các thực phẩm giàu magie

Khi trẻ em bị tiêu chảy, bố mẹ khi chăm sóc cần tránh việc cho trẻ nhịn ăn hoặc uống, nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn uống bình thường, chú ý chọn thức ăn nấu chín kỹ và dễ tiêu hóa như cháo thịt, cơm… Tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị thích hợp. Còn những trường hợp tiêu chảy kéo dài, bạn cần tìm kiếm nguyên nhân và điều trị phức tạp hơn và tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Hi vọng những thông tin BU cung cấp trên đây sẽ giúp bố mẹ có thêm kiến thức để xử trí khi trẻ mắc phải tiêu chảy.

Tham khảo: BabyCenter & KidsHealth

promotion left img
Call:0969463299