Giỏ hàng

Chăm sóc mẹ bầu và sau sinh

BỔ SUNG DINH DƯỠNG ĐÚNG CÁCH ĐỂ "VƯỢT QUA" CƠN ỐM NGHÉN TRONG 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ

Trong bài viết ngày hôm nay, BU sẽ tiếp tục chia sẻ cùng các bạn giai đoạn khi các mẹ bầu bước vào thời kỳ ốm nghén cũng như dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ, để sẵn sàng “vượt qua” mọi thách thức với những thay đổi của cả mẹ và con nhé.

BỔ SUNG DINH DƯỠNG ĐÚNG CÁCH ĐỂ

Những thay đổi khi mang thai 3 tháng đầu khiến cơ thể “lên tiếng”

Mang thai 3 tháng đầu là giai đoạn quan trọng nhất của thai kỳ. Em bé trong bụng mẹ lúc này mới hình thành nên còn rất yếu. Đến tuần thứ 6, bé sẽ có kích thước cỡ hạt đậu và trái tim bé nhỏ bắt đầu những nhịp đập đầu tiên. Hết tháng thứ 3 thì các bộ phận trên cơ thể bé mới bắt đầu phát triển.

Trong 3 tháng đầu, cơ thể bạn sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi, chỉ muốn được ngủ, luôn thấy đói và có cảm giác thèm những món trước đó chưa bao giờ ăn. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy buồn nôn, váng đầu, chóng mặt, dị ứng với một số mùi và liên tục muốn đi tiểu. Đây là những biểu hiện bình thường trong giai đoạn mang thai 3 tháng, do lúc này cơ thể bạn phải sản xuất nhiều máu hơn, mọi cơ quan phải thay đổi thích nghi với sự xuất hiện của sinh linh mới.

Điều quan trọng nhất mẹ bầu cần biết khi mang thai 3 tháng đầu là lưu ý chế độ ăn uống để có thể bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi.

Cách bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu

Ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý cung cấp đủ từ 200 - 300 calo mỗi ngày và chỉ cần tăng thêm 1 - 2,5kg là tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Thai nhi lúc này vẫn còn quá nhỏ nên mẹ bầu chưa cần phải tăng nhiều cân. Mẹ luôn băn khoăn cần ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu cần lưu ý bổ sung những chất sau:

- Axit folic: dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não và cột sống em bé. Bạn cần bổ sung khoảng 400mg axit folic trong thực đơn mỗi ngày của mình.

- Canxi: là chất không thể thiếu để hỗ trợ cho sự phát triển về xương của mẹ bầu khi mang thai và cả em bé trong bụng. Lượng canxi được cung cấp đủ cho cơ thể sẽ giúp bạn tránh bị loãng xương sau sinh.

- Chất sắt: bổ sung các loại thực phẩm chứa chất sắt là cách tốt nhất để bạn không bị thiếu máu khi mang thai. Chất sắt cũng góp phần giảm thiểu triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi thường gặp trong thai kỳ.

- Chất đạm (protein): cung cấp khoảng 20g protein mỗi ngày sẽ đảm bảo bé yêu của bạn phát triển hoàn thiện tế bào não, đồng thời giúp tuyến vú và mô tử cung của bạn phát triển tốt trong suốt thai kỳ.

- Vitamin D: từ khi còn là phôi thai, bé đã cần phát triển hệ xương, do đó, mẹ bầu cần tăng cường vitamin D từ thực phẩm hoặc ánh nắng mặt trời. Sưởi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi tối ưu. Lưu ý chọn nắng sớm buổi sáng, để ánh nắng chiếu trực tiếp lên cơ thể là tốt nhất.

- Vitamin C: chất chống oxy hóa hữu hiệu, giúp mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của cơ và mạch máu cho bào thai.

Gợi ý về thực đơn cho mẹ bầu 3 tháng đầu

Để giúp các mẹ dễ dàng trong việc xây dựng thực đơn 3 tháng đầu của thai kì đảm bảo mẹ không tăng cân quá nhiều mà vẫn đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho con dưới đây:

- Bữa sáng của mẹ sẽ bắt đầu lúc 7 giờ với:

  • Bánh mì, khoai lang, gạo lứt vừa giúp mẹ dễ tiêu lại vừa giàu năng lượng mà hàm lượng đường không cao.

  • 1 quả trứng luộc

  • Rau xanh

  • Hoa quả như cam, táo, nước ép bưởi,…

- Bữa phụ sáng vào lúc 9h30 với:

  • 1 bắp ngô luộc + 3 múi bưởi

- Bữa trưa vào lúc 12 giờ với:

  • Mỗi bữa ăn 1-2 bát cơm.

  • Các món ăn giàu protein từ thịt nạc như thịt bò, thịt heo, thịt gà…

  • Mẹ cần bổ sung các món ăn từ cá hay hải sản (1-2 bữa trong tuần), với các mẹ bầu dưới 3 tháng tốt nhất nên kiêng ăn hải sản.

  • Ăn nhiều rau xanh, mẹ nên ưu tiên món luộc không có đường và ít dầu mỡ chiên xào. mẹ cần tránh những món mặn bởi nó sẽ tích nước, tích muối.

  • Hoa quả tráng miệng như bữa sáng.

- Bữa phụ chiều lúc 15 giờ với: 1 chiếc bánh bao + 1 ly sữa

- Bữa tối vào 18 giờ: 2 bát cơm  (thịt chân giò luộc, đậu phụ chiên giòn, chuối tiêu tráng miệng)

- Bữa phụ tối 20 giờ 30: 1 trái táo hoặc 1 cái xúc xích

Trên đây là những gợi ý dành cho các mẹ bầu trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, mỗi sự gợi ý đều đúng hoặc không đúng với người này, hoặc không phù hợp với người kia. Điều quan trọng hơn cả là thường xuyên theo dõi, thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có và nhận được sự kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của bé.

Hãy để BU đồng hành cùng bạn giúp mọi khoảnh khắc bên con đều là tuyệt vời nhất nhé!

 

Theo Momjunction

 

promotion left img
Call:0969463299
index