Giỏ hàng

Cùng mẹ chăm con khoa học

ĐIỂM DANH 5 CÁCH TÍCH CỰC ĐỂ LUYỆN CHO TRẺ NGỦ RIÊNG

Cùng với việc tự xúc ăn, tự đánh răng, vệ sinh cá nhân, việc ngủ riêng là một trong những hoạt động đánh dấu sự trưởng thành của trẻ nhỏ, giúp trẻ dần hình thành tính tự lập, có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Tuy nhiên, đa số trẻ em khi mới bắt đầu ngủ riêng thường lo lắng, sợ hãi, khóc lóc và chỉ muốn ngủ cùng cha mẹ.

Đặc biệt, nếu bé đã quen ngủ với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ và khoảng thời gian này càng kéo dài thì mức độ khó khăn để luyện cho bé ngủ riêng sẽ càng cao hơn. Vì thế, các chuyên gia cho rằng khoảng thời gian dễ dàng nhất để luyện cho trẻ ngủ riêng là dưới 3 tuổi. Sau độ tuổi này, việc luyện tập cho trẻ sẽ vô cùng khó khăn do trẻ đã hình thành thói quen và tính cách.

Dưới đây là 5 cách tích cực giúp cha mẹ luyện cho trẻ ngủ riêng một cách dễ dàng hơn. Cùng BU tìm hiểu nhé!

      1. CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO TRẺ

Trước khi cho trẻ vào phòng riêng, bạn hãy dành một thời gian để giải thích với trẻ rằng việc ngủ riêng là điều bình thường của sự lớn lên và bất kì ai cũng vậy. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, trẻ có thể chưa hiểu hết lời bạn nói vì vậy hãy nói ngắn gọn nhưng rõ ràng, đầy đủ. Bất kì ai cũng cần được chuẩn bị về mặt tâm lý trước khi sẵn sàng cho một hoạt động nào đó.

Cố gắng nhận biết các lý do mà trẻ sợ hãi, lo lắng khi phải ngủ một mình và xóa tan nó bằng nhiều cách (lời nói, hành động). Cha mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý rằng trẻ mất vài tuần thậm chí cả tháng mới chịu đi ngủ một mình và ngủ ngon giấc, đồng thời có những cách ứng phó với những hành vi xấu có thể xuất hiện ở trẻ.

       2. TẠO PHÒNG NGỦ RIÊNG AN TOÀN CHO TRẺ

Tạo một phòng ngủ thoải mái, an toàn là điều cần thiết và cơ bản nhất để có thể giúp trẻ tự ngủ một mình. Cha mẹ hãy chuẩn bị cho bé một phòng ngủ đẹp, dễ thương và thú vị, trang trí phù hợp với sở thích của trẻ.Trong quá trình trang trí phòng ngủ, hãy hỏi trẻ thích gì, thích làm thế nào và nhận sự hỗ trợ giúp đỡ từ trẻ trong quá trình trang trí phòng để tạo cho trẻ sự hứng thú với căn phòng mới, giảm sự lo lắng và khiến trẻ có cảm giác nhận được một chút quyền lực, một sự kiểm soát với căn phòng của mình.Tranh ảnh, thú bông, đồ chơi, đèn ngủ, chậu hoa, chuông gió… là những vật dụng hữu ích.

       3. THIẾT LẬP THÓI QUEN ĐI NGỦ

Ban đầu có thể trẻ sẽ chưa ngủ được ngay với giường mới, phòng mới và không có cha mẹ ở bên nên bạn hãy nằm cùng trẻ 1-2 ngày

trong phòng mới trước khi cho trẻ ngủ hoàn toàn một mình. Trước khi đi ngủ, hãy đọc cho trẻ nghe một câu chuyện hoặc hát cho bé nghe một bài hát. Sau đó đợi đến khi bé ngủ thiếp đi thì bạn rời khỏi phòng của bé. Dần dần khi bé đã quen với ngủ phòng mới, bạn chỉ cần phải trò chuyện với trẻ một lúc và chúc ngủ ngon sau đó rời khỏi phòng.

Đừng quên quy định giờ đi ngủ nhất định với trẻ, thông thường là 9h-10h tối. Nếu trẻ lẻn vào phòng của bạn nửa đêm thì hãy đợi đến khi bé ngủ rồi bế bé quay trở lại phòng của bé. Tránh mắng mỏ, la hét hoặc cằn nhằn… khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và không thoải mái.

       4. GIÚP TRẺ ĐỐI MẶT VỚI NỖI SỢ

Cha mẹ nên biết rằng chắc chắn không thể lập tức để trẻ tự đi ngủ một mình và ngủ ngon ngay từ những ngày đầu. Trẻ sẽ sợ hãi, lo lắng và khóc lóc rất nhiều. Đây là những điều hoàn toàn bình thường khi trẻ phải bắt đầu làm quen với một nếp sinh hoạt mới mà không có cha mẹ ở bên.

Vì vậy trước tiên cha mẹ nên để ý đến tâm lý của con, xem trẻ đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi gì, nỗi lo lắng gì, trẻ có bị làm phiền bởi âm thanh nào không, chăn gối có đủ ấm không,…

Một số cách dưới đây cha mẹ có thể làm để giúp trẻ xua đi sự sợ hãi:

  • Đưa cho trẻ một con thú nhồi bông để bé ôm trong lúc ngủ.
  • Dùng một chiếc đèn ngủ bên đầu giường.
  • Tặng trẻ một bình xịt hoặc một chiếc đao chống lại “quái vật” trong bóng tối.
  • Dựng một chiếc lều nhỏ trong phòng, để trẻ ngủ ở đây, sau khi quen dần thì lên giường ngủ.
  • Nếu trẻ đang ngủ mà thức dậy, đòi bố mẹ thì bạn có thể nằm cạnh nói với bé là hãy nhắm mắt lại, nghĩ về mong đợi của mình vào sinh nhật sắp tới hoặc ở trường, khi đó trẻ sẽ dần thiếp đi.

       5. VÀ ĐỪNG QUÊN DÀNH LỜI KHEN CHO CON

Một đứa trẻ đối mặt được với khó khăn, nỗi sợ hãi xứng đáng nhận được lời khen hoặc phần thưởng nào đó. Cha mẹ hãy thử tạo một bảng áp phích với các ngày trong tuần. Nếu một đêm trẻ ngủ ngon và tự đi ngủ một mình thì hãy dán một giấy khen, một ông sao vàng lên để trẻ tự nhìn được thành tích của mình.

Nếu trẻ luôn có những cơn ác mộng, hãy thể hiện sự thông cảm và quay trở lại bước 4, tiếp tục giúp trẻ đối mặt với nó.

Việc luyện cho trẻ ngủ riêng không phải là chuyện dễ dàng và có thể đạt kết quả ngay lập tức. Thời gian thành công còn tùy thuộc vào thói quen và tâm lý của từng bé. Vì thế, cha mẹ đừng nên nôn nóng và sốt ruột nếu như thấy con mình khó làm quen với một nếp sinh hoạt mới. Hãy ở bên động viên, khích lệ trẻ và chờ đợi bé thích nghi. Việc luyện cho bé ngủ riêng cũng là cơ hội để cha mẹ dạy con biết tự lập hơn, mạnh mẽ hơn.

Theo: Momjunction

 
promotion left img
Call:0969463299
index