Cùng mẹ chăm con khoa học
LUYỆN NGỦ CHO BÉ - NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ CẦN THỰC SỰ QUAN TÂM
BU biết rằng, ngày nay việc nuôi dạy con theo các phương pháp khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới luôn được các bố mẹ quan tâm.
Đã không còn cái thời quan niệm “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Ngày nay chúng ta hiểu được rằng, tất cả những gì được hình thành trong con trẻ đều bắt nguồn từ sự nuôi dưỡng và giáo dục của bố mẹ. Để con có thể trưởng thành tốt thì tự lập là yếu tố đầu tiên cần giáo dục cho con ngay từ những năm tháng đầu đời.
Và việc đầu tiên để dạy con tự lập chính là luyện cho con có thể tự ngủ. Đây có lẽ là chủ đề mà vô vàn bố mẹ quan tâm, có hàng ngàn trường hợp bố mẹ thực hành các phương pháp luyện ngủ cho con dẫn đến những mâu thuẫn gia đình không đáng có. Những quan niệm và ý kiến trái chiều gây nên nhiều hoang mang cho các bố mẹ.
Trong bài viết này, BU sẽ giúp bố mẹ tìm hiểu 3 phương pháp luyện ngủ cho con, và nên bắt đầu luyện ngủ cho con từ độ tuổi nào là hợp lý.
- PHƯƠNG PHÁP LUYỆN NGỦ ĐỂ CON KHÓC (CRY IT OUT - CIO)
Nếu là những ông bố bà mẹ quan tâm đến các phương pháp giáo dục sớm cũng như nuôi con khoa học, chắc không có bố mẹ nào không biết đến cái tên (CIO) một trong những phương pháp luyện ngủ gây nhiều tranh cãi nhất.
(CIO) được hiểu là đặt bé vào giường và để cho bé khóc đến khi nào bé ngủ. Có lẽ vì vậy mà mọi người đánh giá rằng, đây là một phương pháp vô cùng tàn nhẫn, nhưng nhận định đó quả thực là sai lầm.
Trước khi tìm hiểu các cách cho con luyện ngủ, bố mẹ nên tìm hiểu các thông tin khoa học có cơ sở và tìm hiểu đầy đủ thông tin nhất có thể. (CIO) Theo định nghĩa trên Babycenter và Wikipedia thì CIO chính là phương pháp của Ferber mà nhiều người hiểu nhầm là “cry it out with checks”. Bố mẹ chỉ nên áp dụng phương pháp này khi thực sự hiểu về nó, về cơ bản (CIO) là để bé tự ngủ và có kiểm tra theo mức độ tăng dần về mặt thời gian, giữa các lần bé khóc, cho đến khi bé có thể ngủ được.
Cách áp dụng
Bố mẹ nên đợi khi con có thể đáp ứng được các yêu cầu về mặt tinh thần và thể chất thì mới bắt đầu luyện ngủ cho trẻ, với phương pháp nào thì cũng nên như vậy.
Bước 1: Đặt bé vào giường khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Bé đã được ăn no, tắm sạch sẽ và mặc bỉm mới
Bước 2: Nói chúc ngủ ngon và rời phòng. Nếu bé khóc khi bạn rời đi, để bé khóc một lúc.
Bước 3: Quay lại phòng khoảng 1 đến 2 phút để kiểm tra và vỗ về bé. Tắt đèn và không nói gì. Đừng bế bé dậy. Rời phòng lần nữa nếu bé vẫn thức, thậm chí khi bé đang khóc
Bước 4: Đứng ngoài phòng lâu hơn lần đầu một chút và lại theo đúng chu trình như trước,mỗi lần đứng ngoài phòng lại lâu hơn một chút, mỗi lần trở lại chỉ trong khoảng 1 hoặc 2 phút để vỗ về trẻ và rời đi khi trẻ vẫn còn thức.
Bước 5: Cứ làm như thế cho đến khi bé ngủ lúc bạn không ở trong phòng cùng bé
Bước 6: Nếu bé thức dậy lần nữa, lại làm theo đúng chu trình như trên, bắt đầu với thời gian chờ thấp nhất và lần lượt tăng lên cho đến khi bạn đạt đến thời gian chờ tối đa.
Bước 7: Tăng thời gian đứng ngoài đợi bé mỗi tối. Trong hầu hết trường hợp, theo Ferber, bé sẽ tự ngủ vào đêm thứ 3 hoặc thứ 4 cho đến khoảng 1 tuần. Nếu bé nhất định từ chối sau vài đêm đầu, hãy đợi vài tuần sau và thử lại.
Thời gian mà bố mẹ có thể rời khỏi phòng.
Đêm đầu tiên: Rời phòng khoảng 3 phút trong lần đầu tiên, 5 phút cho lần thứ 2 và 10 phút cho lần thứ 3 và tất cả những lần sau đó
Đêm thứ 2: rời phòng khoảng 5 phút, sau đó 10 phút rồi đến 12 phút
Mỗi đêm để khoảng cách chờ dài hơn. Nhớ rằng không có điều gì kì diệu giữa các lần chờ.
Đây là một trong những phương pháp yêu cầu sự kiên nhân, sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong gia đình cùng sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý. Vì vậy bố mẹ chỉ nên áp dụng phương pháp này sau khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng và chắc chắn.
- PHƯƠNG PHÁP LUYỆN NGỦ KHÔNG NƯỚC MẮT (NO TEAR)
So với (CIO) phương pháp này tương đối nhẹ nhàng, nhưng lại tốn nhiều thời gian hơn, việc bị tỉnh giấc vào giữa đêm và phải dỗ bé ngủ lại rất nhiều và ảnh hưởng đến chính giấc ngủ của bố mẹ.
Về cơ bản “luyện ngủ không nước mắt” tức là khi bé buồn ngủ, bố mẹ sẽ ở bên vỗ về và rủ cho bé ngủ, rồi sau đó đi ra ngoài. Nếu bé tỉnh giấc giữa đêm thì bố mẹ có thể quay lại và dỗ bé ngủ lại.
Theo các nhà khoa học, phương pháp này rất được ủng hộ. Thời gian đi ngủ của bé có thể là khoảng thời gian quan trọng nhất trong ngày giúp bố mẹ và con cái gắn kết tình cảm. Việc để bé khóc một mình có thể gây nên những ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý. Vì vậy bố mẹ có thể lựa chọn phương pháp này dù có thể sẽ tốn nhiều thời gian hơn một chút.
Cách áp dụng.
Để thành công với phương pháp này là bố mẹ nên cho bé đi ngủ sớm, khi bé không quá mệt và buồn ngủ, bé sẽ dễ ngủ hơn. Một trong những cách phổ biến nhất với phương pháp này là cách của Tracy Hogg: bế lên đặt xuống. Bạn hãy đặt bé lên giường để ngủ, nếu bé khóc thì bạn xoa lưng cho bé, vỗ về bé,nếu bé vẫn không nín khóc thì bạn lại bế bé lên, chỉ ôm bé vào lòng chứ không đi lại, rung lắc gì. Tuy nhiên, nếu bé ưỡn người lên, vặn vẹo để thoát ra khỏi tay bạn, bạn hãy đặt bé xuống nhưng vẫn thì thầm và xoa người cho bé. Việc bé ưỡn người, vặn vẹo là bé đang cố gắng ngủ và bạn không có lỗi trong việc đó, hãy để bé cố gắng ngủ.
Cũng có một cách nữa để luyện ngủ cho bé với phương pháp này là Elizabeth Pantley. Với cách này, bạn sẽ đặt bé vào giường khi bé buồn ngủ, nhưng vẫn còn thức. Nếu bé khóc, hãy bế bé lên ngay, đung đưa nhẹ nhàng đến khi bé có vẻ im lặng thì đặt xuống, tay vẫn ôm con, đu đưa nhẹ nhàng thêm vài phút. Nếu bé nằm yên, bạn có thể đi ra. Nhưng nếu bé vẫn khó chịu, đặt tay vòng quanh người bé, thì thầm, rồi đu đưa, vỗ lưng hoặc chạm nhẹ bé cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Nếu bé khó chịu hơn nữa hoặc bé khóc, hãy bế bé lên và đu đưa cho đến khi bé bình tĩnh thì lại đặt bé xuống và lặp lại việc vòng tay, vỗ về và thì thầm với bé là đã đến giờ đi ngủ. Cứ lặp lại như vậy cho đến khi bé tự ngủ được.
- PHƯƠNG PHÁP LUYỆN NGỦ FADING
Nếu bố mẹ cảm thấy quá nặng nề với việc cho con tự ngủ bằng (CIO), hoặc không có nhiều thời gian cho con với việc luyện ngủ không nước mặt, thì Fading cũng có thể là lựa chọn phù hợp.
Fading cho rằng tự ngủ là một kĩ năng là tất cả trẻ cần thành thạo để có thể trở nên độc lập, giống như học đi. Phương pháp này khá gần với những lời khuyên của HIệp hội nhi khoa Hoa Kỳ hay Hiệp hội ngủ quốc gia. Các nghiên cứu cũng cho thấy Fading giúp trẻ ngủ tốt hơn và bố mẹ bớt mệt mỏi hơn.
Cách áp dụng
Với Fading, bố mẹ ngồi trên một chiếc ghế cạnh cũi của bé cho đến khi bé có vẻ đã ngủ ngon. Nếu bé khóc hay quấy, bạn có thể thì thầm để bé bình tĩnh hơn. Sau vài đêm, bạn có thể ngồi xa hơn nhưng vẫn trong tầm nhìn của bé như ngồi ở góc phòng, gần cửa hoặc ngoài cửa. Sau khoảng 2 tuần, bạn có thể rời khỏi phòng sau khi chúc bé ngủ ngon.
Quan trọng nhất trong phương pháp Fading là tìm giờ đi ngủ tự nhiên của bé – giờ mà bé muốn đi ngủ chứ không phải là giờ mà bạn quy định cho bé.
Trên đây là các phương pháp luyện ngủ phổ biến mà bố mẹ có thể tìm hiểu. Vậy thời điểm nào là thời điểm phù hợp để luyện ngủ cho các con, BU sẽ cùng bố mẹ tìm hiểu trong phần tiếp theo.
- THỜI ĐIỂM PHÙ HỢP LUYỆN NGỦ CHO BÉ
Thời điểm nào để luyện ngủ cho con đôi khi không chỉ phụ thuộc vào trẻ mà còn phụ thuộc vào cả tâm lý và sử chuẩn bị của người thân trong gia đình nữa. Vì vậy luyện ngủ vào thời điểm nào là phù hợp vẫn cần nhất sự thấu hiểu em bé cũng như quyết định của bố mẹ. Tuy nhiên không nên luyện ngủ quá sớm cho con bố mẹ nhé. Thời gian được khuyến cáo để bắt đầu luyện ngủ cho bé là từ khi bé được khoảng 4-6 tháng tuổi. Đây là khoảng thời gian bé đã có những phát triển nhất định, những thói quen sinh hoạt, cũng như đủ khoảng thời gian thức và vận động trong ngày. Bé lúc này đã dần quen với môi trường sống bên ngoài bụng mẹ, và nhận diện được ngày đêm để có cơ thể có phản xạ với cơ chế sinh hoạt phù hợp.
Quan trọng nhất là vẫn phụ thuộc vào sự thấu hiểu của mẹ dành cho bé, thời điểm nào phù hợp để luyện ngủ không quan trọng bằng việc mẹ cảm thấy mức độ tăng trưởng của con mình như thế nào. Vì vậy mẹ hãy dành thời gian quan sát cũng như tìm hiểu nhu cầu của con rồi bắt đầu luyện ngủ cho bé nhé.
Tự ngủ luôn là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định sự tự lập của bé, vì vậy bố mẹ nên tìm hiểu các cách thức luyện ngủ cho con mà BU đã giới thiệu trên đây để tìm ra phương pháp phù hợp và thực hiện nhé. BU chúc mọi bố mẹ sẽ luôn hạnh phúc trên con đường làm cha làm mẹ đầy diệu kỳ cùng đứa con thân yêu của mình. BU sẽ luôn là người bạn thân thiết để đồng hành cùng bố mẹ trên con đường gian nan ấy.
Nguồn tham khảo: BabyCenter