Cùng mẹ chăm con khoa học
NHẬN BIẾT CÁC BỆNH HÔ HẤP Ở TRẺ KHI GIAO MÙA
2 nhóm bệnh hô hấp chính mà trẻ thường gặp phải là: Nhóm bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính (bao gồm các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi) và nhóm bệnh dị ứng đường hô hấp (hen suyễn).
Theo Ts. Bs Trần Anh Tuấn (Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh) có 2 nhóm bệnh hô hấp chính mà trẻ thường gặp phải là: Nhóm bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính (bao gồm các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi) và nhóm bệnh dị ứng đường hô hấp (hen suyễn).
Hôm nay BU sẽ giúp bố mẹ nhận biết dấu hiệu các bệnh về hô hấp mà bé thường gặp phải vào khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là mùa lạnh. Cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
VIÊM XOANG MŨI CẤP TÍNH
Nguyên nhân:
- Nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột
- Ô nhiễm không khí, khói bụi, chất thải
- Ngoài ra, bé có thể bị viêm mũi do virus. Môi trường sống không sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển xâm nhập qua mũi gây viêm mũi, viêm đường hô hấp.
Biểu hiện:
- Biểu hiện đầu tiên của bệnh là ngạt mũi. Triệu chứng này thường tăng lên khi trời lạnh và lúc ngủ. Ngạt mũi khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu do thiếu oxy khi ngủ.
- Khi bị viêm mũi, nước mũi của bé sẽ chảy ra nhiều hơn, thường là dạng dịch lỏng, đôi khi biến chuyển thành nhầy, đặc dạng mủ khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Đồng thời khả năng ngửi của mũi cũng suy giảm, toàn thân mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
- Trẻ thường quấy khóc nhiều, nếu đã biết nói, trẻ có thể kêu nhức đầu, đau sau hốc mắt, nặng mặt, khô rát họng.
Phương pháp điều trị:
- Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, ngày 3-4 lần
- Nếu có kèm theo các biểu hiện như nước mũi dạng dịch nhầy nhày, có mủ, dịch mũi màu xanh, vàng thì bố mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ nha khoa để có hướng điều trị phù hợp
- Ngoài ra, vệ sinh nhà ở, môi trường sống, đảm bảo sạch, thoáng là việc làm rất quan trọng để loại bỏ tác nhân gây bệnh.
HO, VIÊM MŨI HỌNG DO VIRUS
Nguyên nhân:
Bệnh viêm họng ở trẻ phần lớn là do virus gây bệnh như adeno, rhino, virus cúm, sởi…
Bên cạnh đó, một số vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ trong số các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, các yếu tố như thay đổi thời tiết, khí hậu cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh viêm họng.
Biểu hiện:
Trẻ bị viêm họng do virus gây ra sẽ có những biểu hiện như sốt, quấy khóc, bỏ bú/ bỏ ăn, cổ họng sưng đỏ, ho và chảy nước mũi.
Phương pháp điều trị:
Nếu bé bị ho, viêm mũi họng do virus thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám và nghe theo lời tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ, tránh việc gây nên những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần đảm bảo cho bé một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngăn ngăn ngừa và hạ sốt an toàn cho con, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ dễ ăn. Với trẻ sơ sinh, nếu bé bị viêm họng khiến họng đau và sưng thì mẹ cần cho bé bú nhiều sữa hơn. Với các bé bước vào tuổi ăn dặm thì các thực phẩm dành cho bé cần phải được nghiền mịn, nấu loãng để bé dễ nuốt hơn.
VIÊM THANH QUẢN
Nguyên nhân:
Bệnh này thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi và phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi. Nguyên nhân thông thường nhất là cảm lạnh, cảm cúm do nhiễm virus hoặc dùng giọng nói quá nhiều (hát hoặc hò hét). Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác bao gồm:
- Nhiễm khuẩn
- Viêm phế quản
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Viêm đường hô hấp trên do virus.
- Tiếp xúc với các chất kích thích, chẳng hạn như khói thuốc lá quá lâu.
Biểu hiện:
Bệnh khởi phát với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường như khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít. Trẻ ho rất nhiều, có thể khó thở, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ và có thể nguy hiểm hơn nếu không được cấp cứu kịp thời.
Phương pháp điều trị:
- Uống nhiều nước, ăn những món ăn được chế biển ở dạng lỏng.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí
- Không nói quá to, la hét hoặc nói quá nhiều trong ngày
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong đơn.
VIÊM AMIDAN
Nguyên nhân:
Viêm amidan chủ yếu do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Các virus gây bệnh phổ biến bao gồm: Enterovirus, virus cúm, adenoviruses, Epstein-barr, Parainfluenza, Herpes.
Bé có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người đang bị bệnh. Hầu hết, sự lây nhiễm này diễn ra giữa các trẻ nhỏ trong trường học và các thành viên gia đình ở nhà.
Biểu hiện:
Viêm amidan sẽ khiến bé sốt đi sốt lại nhiều lần, cổ họng bé đau, sưng đỏ và có vết loét; chán ăn, amidan sưng tấy… Viêm amidan không gây nguy hiểm nhưng bệnh hay tái phát khiến bé khó chịu, mệt mỏi.
Phương pháp điều trị:
- Thiết lập chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng
- Khuyến khích bé ăn uống bằng cách cho bé ăn những món lỏng, dễ ăn. Giúp bé uống đủ nước để tránh mất nước.
- Ngăn chặn sự lây lan của vi trùng bằng cách rửa tay thường xuyên
- Đảm bảo môi trường sống xung quanh được trong lành, sạch sẽ
- Cho bé đi khám bác sĩ khi bé có những biểu hiện bệnh nặng hơn.
VIÊM PHỔI
Nguyên nhân:
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra bên trong phổi. Viêm phổi xuất hiện khi vi khuẩn hoặc virus kẹt trong phổi, sinh sôi nảy nở và tạo nên những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp nhất là phế cầu khuẩn. Các virus chính gây nên bệnh này là virus hợp bào hô hấp RSV, virus cúm, Adenovirus), vi khuẩn, nấm Candida albicans và ký sinh trùng.
Bệnh có thể xuất hiện khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này, dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng hữu ích vi trùng sinh sôi nảy nở để tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn.
Biểu hiện:
Hầu hết các trường hợp bị viêm phổi ở trẻ thường bắt đầu bằng những cơn sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp). Nặng hơn có thể kèm theo khó thở, vã mồ hôi, sốt rét... Viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể sốt hoặc không sốt thậm chí hạ thân nhiệt, bỏ bú và thường nhanh chóng bị suy hô hấp nặng.
Phương pháp điều trị:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn
- Có biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus đường hô hấp như rửa tay trước và sau khi ăn, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, không dùng chung dụng cụ ăn uống với người ốm…
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng tốt.
- Vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ mỗi ngày
- Khi thấy trẻ có những biểu hiện của bệnh cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt
Hi vọng những kiến thức trên đây sẽ giúp bố mẹ trang bị cho mình một “sổ tay cẩm nang sức khỏe về bệnh hô hấp cho bé” thật chi tiết và hữu dụng. Hãy cùng đồng hành với BU để biết thêm nhiều thông tin chăm sóc và nuôi dạy bé bổ ích hơn nữa nhé!
Nguồn tham khảo: Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh & TheHealthSite