Giỏ hàng

Cùng mẹ chăm con khoa học

NHẬN BIẾT THỜI ĐIỂM TRẺ BẮT ĐẦU TẬP LẪY, NGỒI, BÒ

Vận động vừa là một đặc tính bên ngoài của sự sống vừa là một đặc tính giúp em bé thích nghi với môi trường xung quanh. Nếu không có vận động, chắc chắn việc thích nghi sẽ rất khó khăn. Quan sát bé vận động bạn sẽ thấy bé dường như thay đổi theo tuần, theo tháng. Và đúng là như thế. Khó có một giai đoạn nào mà tiến triển của vận động lại diễn ra với một tốc độ nhanh như vậy, nhất là trong quãng thời gian 2 năm tuổi đầu đời. Mỗi khi bé hoàn thành một động tác nào đó, không chỉ bạn vỡ òa sung sướng mà bé cũng thực sự mãn nguyện. Nó có tác dụng kích thích bé, khuyến khích bé, giúp đỡ bé làm nhiều hơn nữa để nhìn thế giới theo đúng chiều mong muốn: nhìn từ tư thế đứng.

Hãy cùng BU tìm hiểu những thời điểm bé phát triển vận động \khi bé bắt đầu tập lẫy, tập ngồi và tập bò nhé!

NHẬN BIẾT THỜI ĐIỂM TRẺ BẮT ĐẦU TẬP LẪY, NGỒI, BÒ

Lẫy

Sang tháng thứ 3, bé có sự lớn lên nhiều hơn. Và tại thời điểm này có một sự kiện bạn hết sức ngóng trông: bé biết lật sấp, người ta gọi là lẫy. Ban đầu, bé chỉ biết cố gắng nghiêng người về một bên nhưng không thành công. Bé bị đổ kềnh, nằm ngửa mệt nhọc. Nhiều bé tập mãi không được, bực quá còn tự khóc inh ỏi ngon lành. Ấy là do cơ thân chưa đủ khỏe để lật được thân. Nhưng cứ tập mãi, tập mãi, dần cơ thân vững khỏe. Khi ấy bé lật sấp thành công. Dù đã tự lẫy được nhưng lúc đầu cổ bé còn hơi yếu, chỉ nâng nhấc lên được chừng 45 độ so với mặt giường và cũng chỉ được 1 lát. Sau đó bé sẽ rất mỏi và gục đầu xuống. Gục như rơi cả mặt xuống giường. Nhưng những lần sau, bé làm rất thành thạo. Cứng cổ được lâu hơn và cao hơn. Thậm chí, nếu bạn gọi bé kèm theo những tiếng vỗ tay, bé sẽ cố rướn cao cổ đến tận giới hạn 70 - 90 độ.

Đến tháng thứ 4, bé sẽ xuất hiện thêm những động tác vận động tinh vi. Bé không chỉ tập thân mà còn tập cả vận động tay nữa. Lần đầu tiên bạn nhìn thấy bé biết để ý những thứ xung quanh và muốn chạm vào chúng. Đây là bước khởi đầu cho một hành trình khám phá trong tương lai. Ban đầu chỉ là cố với tay lấy những thứ phía trước mặt. Sau đó, bé biết duỗi tay hết cỡ, ưỡn cả người và xoay theo chiều di chuyển của thứ mà bé muốn. Đây là sự tương tác mang tính tích cực: thế giới tác động vào bé và bé có những đáp ứng trả lời.

Ngồi

Cùng với sự phát triển của cơ lưng, cổ, bụng và kiểm soát phần đầu sẽ giúp bé ngồi dậy. Vào khoảng bốn đến sáu tháng, bé có thể ngồi dậy với sự hỗ trợ và với tay để nắm lấy đồ chơi. Để giúp bé phát triển các kỹ năng cần thiết khi ngồi bằng cách khuyến khích bé nằm sấp - Tummy time. Khi bé bắt đầu ngồi dậy với sự hỗ trợ, hãy để bé ngồi trên sàn nhà. Bạn sẽ nhận thấy bé đổ người về phía trước và tay chống xuống sàn nhà vì cơ lưng của bé chưa đủ khỏe để giữ thăng bằng cho cơ thể.

Sang đến tháng thứ 6, cổ bé lúc này khá cứng, có thể trụ vững được trong tư thế cổ thẳng. Bé có thể ngồi. Lúc đầu sức cơ còn hơi yếu nên bé ngồi với cái lưng cong cong. Khi ấy, bé cũng sẽ bắt đầu sử dụng tay để khám phá khi bé với tay và nắm lấy đồ chơi nếu chúng được đặt ở trên sàn nhà và gần mình. Bé sẽ cố gắng tiếp cận chúng, điều này có thể khiến bé ngã rạp xuống. Nhưng đến tháng thứ 8, bé ngồi được thẳng lưng vàng và tự tin trông thấy. Về chuyện lẫy, bé cực kỳ thành thạo. Thành thạo tới mức bé lẫy quá thường xuyên, lật đi rồi lật lại. Thậm chí bé còn trườn bụng trên giường để di chuyển tới đồ vật mình thích. Hai chân khua lên không trung loạn xạ mặc dù vẫn đang nằm sấp. Nhưng sự khua ấy không có giá trị cho tiến triển vận động, nó chỉ có tác dụng tập cho cơ đùi khỏe hơn. Bạn cần phải đợi cho đến lúc nào hai chân bé biết đạp xuống giường thì khi ấy báo hiệu cho bạn chuẩn bị có động tác mới xuất hiện.

Từ 6 đến 9 tháng, bé sẽ hoạt động rất chăm chỉ trong việc phát triển cơ bụng để giúp bé ngồi một mình và bò. Khi bé nằm ngửa, bé sẽ chơi với chân và ngẩng đầu lên để nhìn vào chân của mình. Điều này rất quan trọng để phát triển cơ bụng.

Khi bé làm chủ khả năng ngồi mà không cần sự hỗ trợ, bé sẽ có thể ngồi dậy từ tư thế nằm và ngược lại. Bé cũng sẽ có thể tự do chơi với đồ chơi khi ngồi trên sàn nhà. Khi thực hiện những kỹ năng này thì bé cũng đang phát triển các kỹ năng cần thiết để bò. Sau khi bé cố gắng xoay sở để trụ vững trên cả 2 tay 2 đầu gối thì có thể lắc lư người qua lại. Bước tiếp theo liên quan đến hoạt động bò là di chuyển lùi trên tất cả bốn chi. Nếu bạn nghĩ bé gặp khó khăn trong việc bò, bạn có thể hỗ trợ bé bằng cách cho bé có nhiều thời gian để nằm sấp (khi bé tỉnh táo và được người lớn giám sát) để khuyến khích bé ngẩng đầu, điều này giúp tăng cường các cơ ở đầu, cổ vai và thúc đẩy các kỹ năng vận động. Ngoài ra, bỏ bớt quần áo của bé ra hoặc chuyển sang dạng ôm sát để tránh ảnh hưởng đến khả năng bò của bé và khuyến khích bé bò trên các bề mặt khác nhau, chẳng hạn như thảm và gạch, để phát triển xúc giác, cảm giác chạm của bé.

Đến tháng thứ 9, kết quả mong đợi của bạn bấy lâu xuất hiện: bé biết bò. Đây là kết quả tiếp nối từ thời kỳ trước đó. Khi bàn chân biết đạp xuống giường trong tư thế nằm sấp thì cơ thân biết nâng thân mình, cơ chân biết chống xuống giường. Bé sẽ bò bằng cả 2 tay và 2 gối, tư thế này người ta gọi là bò bằng 4 chi. Bé lẩn như chạch, hết góc này đến góc khác. Nhiều bé bò hăng quá đến mức đỏ cả gối. Khi ấy có lẽ bạn cần bế bé dậy, không cho bò tiếp nữa. Nhiều bé hiếu động, ngay cả khi bạn bế bé lên rồi, bé vẫn tụt xuống đòi bò tiếp cho thỏa thuê.

 

Trên thực tế, sự thay đổi ở từng đứa trẻ là khác nhau, đặc biệt với những bé sinh non. Do vậy, cần cân nhắc vào sự khác biệt của từng bé để có những điều chỉnh phù hợp.

 

Tham khảo suckhoedoisong.vn & babycenter.com

promotion left img
Call:0969463299
index